7 điều sinh viên năm nhất KHÔNG THỂ BỎ QUA
12 năm học sinh đã kết thúc thực sự. Bây giờ bạn bước tới trường bằng vị thế mới – sinh viên năm nhất, đầy trẻ trung và nhiệt huyết nhưng cũng thật mới lạ. Hãy nắm trong tay cẩm nang đặc biệt dành cho sinh viên năm nhất để sớm thành “chánh quả” trên con đường học tập tại trường Cao đẳng Ngoại ngữ và Công Nghệ Việt Nam nhé!
Mục lục
1. Học tập nghiêm chỉnh, tránh xa các cạm bẫy
Thành phố đông người và nhộn nhịp nhưng lòng người xa lạ lại chẳng giống như ở nhà. Đừng để sự non nớt, ngây thơ của bạn – thành điểm yếu cho “kẻ xấu” dụ dỗ nhé!
1.1. Thành đối tượng của các công ty bán hàng đa cấp
Đa cấp đã tồn tại rất nhiều năm tại Việt Nam. Ai cũng mặc định đa cấp là “lừa đảo” tuy nhiên, không phải ai cũng biết hết các mánh khóe và chiêu trò dụ dỗ của đa cấp. Đặc biệt là các bạn sinh viên năm nhất.
“Rõ ràng mình đến trung tâm để học ngoại ngữ nhưng lại bị chính giáo viên dụ dỗ vay tiền để làm đa cấp”- đây là một bài học xương máu của một bạn sinh viên năm nhất kể lại. Hình thức khác là mời chào đầu tư, nộp tiền và hứa hẹn trả các khoản lợi nhuận cao bất thường mà không phải làm gì…
Đa cấp không còn gì xa lạ với tất cả mọi người, những mánh khóe và chiêu trò thì ngày càng tinh vi. Không chỉ là các bạn tân sinh viên mà cả những người lớn tuổi cũng bị dụ dỗ tham gia. Dù ở bất kỳ tình huống nào, các bạn sinh viên cũng nên cảnh giác và đặt những câu hỏi nghi ngờ khi xin việc hoặc đăng ký chỗ học thêm nhé! “cạm bẫy” và “mật ngọt” đầy ngay trước mắt mà chỉ một phút “nhẹ dạ cả tin” rất dễ khiến bạn chưa kịp học điều hay mà bạn đã phải trả giá.
1.3 Hãy đến lớp đầy đủ
‘’Đến lớp và học hành tử tế đi! Nghiêm túc đấy, trừ khi bạn quá mệt mỏi, nếu không hãy đi ngay và luôn!” – Đây là một nhắc nhở của một bạn sinh viên sau khi tốt nghiệp với kinh nghiệm 3 năm học cao đẳng.
Đi học chuyên nghiệp rồi, chẳng ai bắt buộc hay thúc giục bạn đến lớp thường xuyên. Có nhiều bạn nghĩ khi tự do sẽ “bung lụa” và thoải mái nghỉ xả hơi. Nhưng các bạn chưa hình dung hết những khó khăn trong quá trình học. Thực tế đã có rất nhiều sinh viên chật vật với việc không đủ điều kiện thi, nợ nhiều môn dẫn đến không được tốt nghiệp ra trường đúng hạn.
Chúng ta không thể phủ nhận việc học như thế nào là quyết định của mỗi người. Bạn không chiến thắng được sự lười biếng, ỷ lại tự khắc bản thân sẽ thua cuộc ở mọi “mặt trận” chứ không riêng gì việc học tập. Tự cho phép mình “cúp tiết” gây ra hậu quả khiến bạn không bắt kịp kiến thức thậm chí sẽ bị kỷ luật, mất thiện cảm với giảng viên.
2. Tự lập trong suy nghĩ, hành động trên tư duy
Nhiều bạn trẻ thường nghĩ rằng, thời gian ở giảng đường là không cần thiết bởi vì các tỷ phú nổi tiếng thế giới đều bỏ học mà thành tài. Tuy nhiên, đây là suy nghĩ sai lầm. Bởi nếu bạn muốn xây dựng một tương lai với những nấc thang cao “bước tới mây xanh” thì cần phải có nền móng vững chắc. Giảng đường chính là nơi giúp bạn đặt những viên gạch đầu tiên như vậy.
2.1 Tìm sách để đọc
Nếu như trước đây đa phần các sinh viên thích sưu tầm sách để đọc thì ngày nay các bạn trẻ có xu hướng thay đổi thói quen đọc sách. Sự bùng nổ của công nghệ thông tin làm cho sinh viên có xu hướng dành hết quỹ thời gian vào facebook, zalo, instagram…Lười đọc sách.
Đại học là tự học, tự tìm tài liệu để tham khảo và học tập ở đâu là câu hỏi của nhiều bạn đặt ra. Thay vì lướt face hay đọc fake news trên các trang web vô bổ, bạn hãy updates các website học tập bổ ích để nâng cao kiến thức của mình nhé. Bạn cũng có thể mua hoặc xin lại giáo trình của các anh chị lớp trên nữa nhé, như vậy sẽ giảm thiểu một khoản chi phí đáng kể đấy!
2.2. Học cách quản lý tài chính
Tài chính của mỗi sinh viên thường nằm ở mức độ giới hạn vì còn phụ thuộc và gia đình và khả năng kiếm tiền từ việc làm thêm. Thói quen của sinh viên thường là đầu tháng nhận “trợ cấp” sẽ tiêu pha “xả láng”, cuối tháng ngồi “gặm” mì tôm. Vì lỡ tay tiêu xài nên cuối tháng bạn phải ăn mì gói khiến các bạn có ý thức hơn cho việc quản lý và quản lý tiền bạc.
Sẽ thật thiếu khoa học nếu bạn không duy trì một thói quen ghi chép lại những khoản mình đã chi tiêu. Hãy ưu tiên các khoản cần chi tiêu trước (tiền thuê nhà, học phí, xăng xe..) sau đó đến các khoản phụ phát sinh (mua sắm, vui chơi..). Nếu biết cách sắp xếp khoa học thì việc quản lý tài chính sẽ trở lên dễ dàng. Và đặc biệt, khả quan hơn nếu bạn có việc làm thêm trong thời gian đi học.
1.3. Tự chăm sóc bản thân
Rời xa vòng tay của bố mẹ, các bạn được tự do làm điều mình thích mà không có sự kiểm soát. Qũy thời gian thoải mái khiến bạn thỏa sức vùng vẫy trong thế giới của riêng mình. Những buổi cà phê chém gió với bạn bè đến khuya, sử dụng đồ ăn nhanh để tiết kiệm thời gian, chơi game/xem phim thâu đêm… là điều mà đa phần sinh viên đều trải qua.
Nhiều bạn không để tâm tới sức khỏe của mình nên dễ bị ốm khi vừa bắt đầu cuộc sống mới cũng như ảnh hưởng đến việc học hành. Hãy tạo cho mình một bản lĩnh vững vàng và khả năng thích nghi với những cái mới. Tự nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa, tập thể dục cho tới việc chăm sóc bản thân lúc ốm đau… bạn phải học cách xoay sở một mình.
Đây là lúc bạn cần chứng minh cho gia đình và mọi người xung quanh rằng mình đã trưởng thành, tự lập để phụ huynh luôn an tâm và tin cậy.
1.4. Bạn bè thay đổi
“Tuổi thanh xuân giống như một cơn mưa rào. Dù cho tôi từng bị cảm lạnh vì tắm mưa, tôi vẫn muốn được đắm mình trong cơn mưa ấy lần nữa để có bạn và được ở bên bạn như những ngày đã qua”.
Những người bạn tri âm tri kỷ luôn là tài sản quý báu trong cuộc đời của mỗi người. Vậy mà chỉ vì lên đại học không học cùng nhau khiến cho tình cảm ấy dần trở nên xa cách. Chúng ta thường quên mất tình bạn cần được giữ gìn và nuôi dưỡng.
Tuy không còn nhiều thời gian ở bên nhau như trước đây nhưng hãy tạo cho nhau một thói quen dù chỉ một cuộc gọi, một tin nhắn sẽ giúp bạn gắn kết với nhau nhiều hơn.
7 điều kể trên chắc chắn sẽ là những điều thường gặp của tân sinh viên những ngày đầu tiên tới trường. Hãy nắm trong tay “trọn bộ bí kíp” này để không bị “sốc văn hóa” và sẵn sàng hành trang, học hành giỏi giang, giúp phụ huynh rạng rỡ, bạn nhé!